Bệnh tim bẩm sinh đang trở thành nỗi lo và mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha hiện nay. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc tim bẩm sinh được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp có thể phát triển như những trẻ cùng trang lứa và hòa nhập tốt với cuộc sống.

- Thiếu máu cơ tim là như thế nào

- Benh tim mach

Bệnh tim bẩm sinh là gì?

Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật ở tim của trẻ (có thể tại vách tim, van tim, cách mạch máu lớn) xảy ra trong thời kỳ bào thai, trước khi trẻ được sinh ra (thường trong khoản tám tuần đầu tiên của quá trình phát triển bào thai).

Bệnh chia thành hai nhóm: Không tím – trẻ không bị tím da niêm và có tím – trẻ bị tím da niêm. Bệnh tim bẩm sinh không tím thường gặp nhất gồm thông liên thất (30,5%), thông liên nhĩ (9,8%), còn ống động mạch (9,7%)… Bệnh tim bẩm sinh có tím hay gặp nhất là tứ chứng Fallot (5,8%)… Ngoài ra, một số dị tật hay kèm theo bệnh là hội chứng Down, sứt môi chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay, ngón chân; đầu to, đầu nhỏ…Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm có thể gây tử vong cho bệnh nhân.

Nguyên nhân gây dị tật tim bẩm sinh

Các bà mẹ có thể sẽ thắc mắc không biết mình đã uống thuốc, tiếp xúc hóa chất gì hay mắc bệnh gì trong thời gian mang thai mà gây ra dị tật tim bẩm sinh cho con mình. Tuy nhiên, thực tế có đến 50% các trường hợp bệnh tim bẩm sinh không xác định được nguyên nhân, còn lại do 2 nguyên nhân chính sau:

– Do di truyền: Đột biến gene, đột biến nhiễm sắc thể trong quá trình mang thai hoặc di truyền từ thế hệ trước là một nguyên nhân gây dị tật tim bẩm sinh ở trẻ. Các nhà khoa học phát hiện ra một số tật tim bẩm sinh có thể di truyền và kèm với các hội chứng đa dị tật như hội chứng Ehrles-Danlos, Leopard, Noonan, Hunter, Ellis -Van-Creveld,… Bên cạnh đó, một số tật tim bẩm sinh khác có liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down (có 3 nhiễm sắc thể 21), hội chứng Klinefelter (XXY: có 2 nhiễm sắc thể X và 1 nhiễm sắc thể Y ); hội chứng Turner (XO, không có nhiễm sắc thể giới tính Y),…

– Một số dị tật tim bẩm sinh xảy ra khi người mẹ bị nhiễm siêu vi trong quá trình mang thai như nhiễm Rubella, Cytomegalo, Herpes. Đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ có sử dụng thuốc chống động kinh, nội tiết tố sinh dục, Thalidomide, ngộ độc hóa chất, uống rượu quá nhiều và các thuốc chữa bệnh khác hoặc do ảnh hưởng của tia phóng xạ…

Dấu hiệu nhận biết bệnh tim bẩm sinh

Khi thấy trẻ có những biểu hiện sau cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

– Trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại nhiều lần, hơi thở khác thường như thở nhanh, khi hít vào lồng ngực rút lõm.

– Trẻ hay bị viêm phổi, làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi. Một số trẻ bị tím môi, tím các đầu ngón tay, ngón chân khi khóc, khi rặn đại tiện hoặc có thể bị tím ngay từ khi mới sinh.

– Trẻ bị dị tật tim bẩm sinh thường bú hoặc ăn kém, khi bú trẻ có vẻ rất mệt, phải ngưng lại nghỉ một lúc để thở rồi mới bú tiếp. Trẻ chậm lên cân, không tăng cân thậm chí có thể sụt cân. Trẻ chậm phát triển hơn so với những trẻ bình thường như chậm mọc răng, chậm biết lật, chậm bò…

– Một số trường hợp, trẻ bị tật tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện gì do bệnh không nặng, chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám vì một lí do khác.

Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

Với những bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh, cha mẹ không cần hạn chế quá nghiêm ngặt các hoạt động thể lực của trẻ. Các hoạt động thể dục thể thao cần phải thích nghi với khả năng tham gia của trẻ. Việc tiêm chủng phòng dịch vẫn có thể tiến hành bình thường kể cả với vaccin phòng cúm nhưng cần lưu ý với trẻ có thể được ghép tim thì không được tiêm vaccin chế tạo bằng virus sống.

Khi biết trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch những thông tin như: đặc điểm tổn thương và diễn tiến của bệnh, phương pháp điều trị bệnh, nếu có phẫu thuật thì thời điểm nào là tốt nhất,… để hiểu hơn về bệnh nhằm xử trí đúng cách.